Xây dựng tiêu chuẩn về tổ chức và hoạt động cho thư viện đại học Việt Nam

Chuyên mục: Tin tức & Sự kiện - 03/10/2018

1. Vai trò của tiêu chuẩn với thư viện đại học Việt Nam

Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “đổi mới toàn diện nền giáo dục, đào tạo” nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nền giáo dục từ tổ chức giáo dục truyền thống “đóng khung” trong các khái niệm “cứng” về trường, lớp, thư viện, chương trình, nội dung, thời gian học… chuyển sang nền giáo dục “mở” gắn với không gian, trường, lớp, thư viện, chương trình, nội dung, thời gian… linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập và phát triển giáo dục điện tử.

Trong nền giáo dục mở, vòng đời sách giáo khoa ngắn vì phải cập nhật nhanh kiến thức mới, hình thức giáo dục điện tử phát triển, việc sử dụng phổ biến và chủ yếu sách giáo khoa điện tử và hệ thống thư viện điện tử cùng các trung tâm cung cấp kiến thức qua mạng chiếm ưu thế trong phổ biến kiến thức.

Thư viện các trường đại học sẽ thực sự là trung tâm, là trái tim của nhà trường nhằm chuyển đổi thông tin thành tri thức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng trong nhà trường.

Để thực hiện mục đích trên, việc xây dựng các tiêu chuẩn trong công tác thư viện nói chung và thư viện đại học (TVĐH) nói riêng trong đó có các tiêu chuẩn về tổ chức và hoạt động đã được các quốc gia đặc biệt quan tâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác, hiệu quả quản lý, tiền đề cho tự động hoá, chia sẻ nguồn lực và kiểm định đánh giá các TVĐH.

2. Nội dung tiêu chuẩn hoá thư viện đại học

Thuật ngữ: Theo Từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin năm 1998 ta hiểu các thuật ngữ liên quan như sau: Tiêu chuẩn(Standard) nghĩa là điều được dùng làm chuẩn để phân loại đánh giá. Tiêu chuẩn trong lĩnh vực thông tin, thư viện được hiểu là những quy định thống nhất, hợp lý dưới dạng văn bản pháp quy kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành để bắt buộc hoặc khuyến khích áp dụng. Tiêu chí(Criterion): là đặc trưng, dấu hiệu làm cơ sở, căn cứ để nhận biết, xếp loại các sự vật, khái niệm. Tiêu chuẩn hoá (Standardization): là xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn thống nhất trong các lĩnh vực đời sống.

Nội dung tiêu chuẩn hoá bao gồm: Việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn. Đối tượng của tiêu chuẩn hoá công tác thông tin - thư viện là các sản phẩm, dịch vụ và quá trình hoạt động thông tin - thư viện và cả tổ chức nhân sự… của từng loại hình thư viện. Mục đích làm cho đối tượng được đáp ứng các yêu cầu, hình thức, chủng loại, tính khả dụng, tương thích, an toàn, hiệu quả… góp phần thống nhất, hoàn thiện các hệ thống thông tin - thư viện đại học.

Muốn đạt kết quả về tiêu chuẩn hóa TVĐH phải tuân thủ triệt để Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn Kỹ thuật Việt Nam đã ban hành năm 2006.

3. Thực trạng áp dụng các tiêu chuẩn hiện nay trong các thư viện đại học Việt Nam

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của công tác thông tin tư liệu, thư viện Việt Nam, các tiêu chuẩn đã được các bộ, ngành quan tâm và lần lượt ban hành. Các tiêu chuẩn chung liên quan đến nghiệp vụ công tác thông tin tư liệu, thư viện đã được Cục Thông tin biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ  ban hành gồm: Tính đến nay có 13 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của thư viện đang được áp dụng trong hệ thống. (Xin xem danh mục các tiêu chuẩn ở phần phụ lục cuối bài).

Trong lĩnh vực TVĐH để tiêu chuẩn hoá, Bộ Văn hoá, Thông tin và Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản cụ thể sau:

Văn bản ngày 7/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thông tin về việc áp dụng chuẩn nghiệp vụ trong các thư viện Việt Nam. Nội dung yêu cầu các thư viện đã có đủ điều kiện kinh phí, nhân viên sẽ chuyển sang áp dụng DDC, AACR2, MACR21.

Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động thư viện trường đại học (ban hành kèm quyết định số  13/2008/QĐ - BVHTTDL). Quy chế gồm 4 chương, 12 điều phản ánh các nội dung: phạm vi điều chỉnh, tên gọi, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn, đối tượng phục vụ, cơ cấu tổ chức, hội đồng thư viện, người làm công tác thư viện, các hoạt động, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, quản lý cơ sở vật chất và ngân sách. Quy chế đã bao quát những vấn đề của TVĐH song còn chung chung cần có các tiêu chí cụ thể bổ sung.

Quyết định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học (ban hành kèm quyết định số 38/2004/QĐ - Bộ GD-ĐT gọi tắt là Bộ Tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng đại học của Bộ GD-ĐT gồm 10 tiêu chuẩn trong đó có tiêu chuẩn cho thư viện, mỗi tiêu chuẩn được đánh giá bằng 2 mức. Mức 1 là đạt yêu cầu; Mức 2 là đạt cao hơn yêu cầu. Đến năm 2007, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy định về Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học (số 5/2007/QĐ - BGDĐT)[3] trên cơ sở bổ sung, sửa đổi và thay thế chương II của bộ Tiêu chuẩn 2004.

Nội dung về TVĐH được đề cập trong 2 tiêu chuẩn và mỗi tiêu chuẩn có 2 mức đánh giá như sau:

+ Tiêu chuẩn 5.10. Nhân viên thư viện đủ về số lượng, có nghiệp vụ để cung cấp các dịch vụ có hiệu quả (2 mức đánh giá):

Mức 1: Có đủ nhân viên thư viện để phục vụ tốt nhu cầu khai thác tài liệu, sách báo của nhân viên quản lý, giảng viên và người học.

Mức 2: Nhân viên thư viện đã được đào tạo về nghiệp vụ thư viện, có năng lực phục vụ tốt nhu cầu khai thác tài liệu, sách báo của nhân viên quản lý, giảng viên và người học.

+ Tiêu chuẩn 9.1. Thư viện (2 mức đánh giá):

Mức 1: Có thư viện, phòng đọc, sách báo, tài liệu để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đảm bảo đạt 60 – 105 số đầu sách cho 1 chuyên ngành đào tạo đối với các trường đại học kỹ thuật, kinh tế, nông, lâm, ngư  nghiệp) và 70 – 122 đầu sách đối với các ngành khác.

Mức 2: Hệ thống thư viện được tin học hoá và có các tài liệu điện tử; thư viện của trường được nối mạng, liên kết khai thác tài liệu với các trường đại học khác; thường xuyên cập nhật các tài liệu mới; có biện pháp khuyến khích người học, giảng viên, nhân viên quản lý khai thác có hiệu quả các tài liệu của thư viện hàng năm trên tổng số người học và giảng viên của trường đạt chất lượng cao.

Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh là 2 trường trọng điểm tiên phong trong đào tạo đại học trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ GD-ĐT và đã bổ sung một số tiêu chí.

+ Tiêu chuẩn 5.10.

Mức 1 và 2: như của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mức 3: Tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ về tài chính cho các nhân viên thư viện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Mức 4: Định kỳ đánh giá về trình độ nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên thư viện từ đó đưa ra những biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, quản lý để nâng cao hiệu quả phục vụ nhân viên, giảng viên và người học.

+ Tiêu chuẩn 9.1. Thư viện (gồm cả phòng tư liệu của các đơn vị và Trung tâm Thông tin – Thư viện).

Mức 1 và 2: Như của Bộ GD-ĐT.

Mức 3: Liên kết, hoà mạng với hệ thống thư viện của một số trường đại học trong khu vực nhằm khai thác, sử dụng sách báo, tài liệu, đặc biệt là tài liệu điện tử của nhau.

Mức 4: Có quan hệ trao đổi, hợp tác trong khai thác, sử dụng tư liệu với các TVĐH lớn trên thế giới.

Nhận xét

Tiêu chuẩn hoá công tác thông tin  tư liệu, thư viện nói chung và TVĐH nói riêng đã được sự quan tâm của các bộ, ngành, đơn vị trong xây dựng, phổ biến, áp dụng tạo cơ sở quan trọng cho việc chuẩn hoá các hoạt động thông tin tư liệu, thư viện ở Việt Nam trong đó có TVĐH.

Tiêu chuẩn cho TVĐH chưa thống nhất, tản mạn trong các văn bản của các cấp. Các tiêu chuẩn còn phiến diện, tiêu chí còn chung chung thiếu định tính, định lượng cụ thể nên gây khó khăn cho các cấp quản lý khi áp dụng, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác trong các TVĐH. Do vậy, cần đầu tư xây dựng Tiêu chuẩn cho TVĐH Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học trước xu thế hội nhập. Để xây dựng được tiêu chuẩn TVĐH toàn diện mang tính khoa học phải xem xét mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố trong mục tiêu phát triển của TVĐH gồm:  Ngân sách, nhân lực, vốn tài liệu, không gian, các dịch vụ, các chương trình hợp tác phát triển của thư viện và trường đại học.

4. So sánh Tiêu chuẩn về tổ chức và hoạt động của thư viện đại học của một số nước trong khu vực với Tiêu chuẩn thư viện đại học hiện có của Việt Nam

Xây dựng tiêu chuẩn cho TVĐH là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Các quốc gia phát triển và đang phát triển đều phải giải quyết nhiệm vụ trên cho sự phát triển của TVĐH, sự nghiệp giáo dục đại học của họ và để lại cho ta một số kinh nghiệm.

Tiêu chuẩn cho TVĐH Mỹ ra đời lần đầu năm 1979 là sản phẩm của sự nỗ lực chung của Hội thư viện các trường đại học, cao đẳng và Viện nghiên cứu (ACRL) thuộc Hội Thư viện Mỹ (ALA) tích lũy trong 11 năm làm việc [9].

Tiêu chuẩn cho các TVĐH tư nhân của Malaysia 1997 – 2001: Được xem xét lại năm 2002 là sản phẩm của Hội đồng chuyên ngành gồm các thành viên của Hội Thư viện, Hội Thư viện đại học, Viên chức của Bộ GD-ĐT làm việc trong nhiều năm.

Tiêu chuẩn cho TVĐH Philippin năm 2010 [5] hoặc Tiêu chuẩn thực nghiệm cho TVĐH Đài Loan [7] cũng được tiến hành xây dựng theo phương cách trên.

Trên cơ sở xem xét các yếu tố trong mục tiêu phát triển của TVĐH, căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, thực trạng và chiến lược phát triển TVĐH mỗi nước, các nước trên đã xây dựng Tiêu chuẩn TVĐH cho mình với các tiêu chuẩn và tiêu chí khác nhau.

Thí dụ: Tiêu chuẩn TVĐH tư của Malaysia 1997 – 2001: gồm 9 tiêu chuẩn là: Mục đích, vốn tài liệu, tổ chức tài liệu, nhân viên, quản lý, dịch vụ, thiết bị môi trường, ngân sách, công nghệ thông tin và 43 tiêu chí chi tiết bổ sung cho các tiêu chuẩn. Sau 5 năm tiêu chuẩn được xem xét bổ sung sửa đổi. Mục đích của tiêu chuẩn là tạo ra mạng thư viện ảo các trường đại học và viện nghiên cứu vào năm 2020 [3].

Tiêu chuẩn cho các TVĐH Philipin năm 2010 gồm 9 tiêu chuẩn là: Mục tiêu, quản lý, nhân lực, phát triển vốn tài liệu, các dịch vụ và sử dụng, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, ngân sách, liên kết mạng và hơn 30 tiêu chí bổ sung cho các tiêu chuẩn..

Tiêu chuẩn thực nghiệm cho TVĐH Đài Loan cũng tham khảo các yếu tố trong mục tiêu phát triển TVĐH dựa vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình để đưa ra những tiêu chuẩn và tiêu chí phù hợp.

Tóm lại, Tiêu chuẩn TVĐH các nước trong khu vực được xây dựng trên một số cơ sở khoa học như sau:

+ Xem xét kỹ những nghiên cứu về các yếu tố trong sự phát triển của TVĐH, kinh nghiệm của những nước tiên tiến (Mỹ, Anh) và thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục và công tác thư viện trong đó có TVĐH mỗi nước để xây dựng tiêu chí phù hợp.

+ Quá trình xây dựng tiêu chuẩn đã huy động được nhiều lực lượng tham gia (quan chức và viên chức các Bộ Giáo dục, Bộ Văn hoá, Hội Thư viện, giám đốc các thư viện và các chuyên gia thư viện).   

+ Tiêu chuẩn mang tính toàn diện, các tiêu chuẩn và tiêu chí đều cụ thể, định tính, định lượng rõ ràng dễ áp dụng và đạt hiệu quả công tác. 

So sánh với các tiêu chuẩn TVĐH Việt Nam

Tiêu chuẩn TVĐH Việt Nam (theo QĐ65/2007/QĐ-BGDĐT - trong quy định về tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học): Có 2 tiêu chuẩn cho TVĐH (Tiêu chuẩn 5.10. Nhân viên thư viện và Tiêu chuẩn 9.1. Thư viện). Mỗi tiêu chuẩn có 2 mức (tiêu chí) đánh giá như đã nêu. Ta thấy:

+ Số lượng Tiêu chuẩn cho TVĐH còn quá ít, việc sắp xếp 2 Tiêu chuẩn cho TVĐH chưa hợp lý: Tiêu chuẩn 5.10. Nhân viên thư viện nên đưa vào Tiêu chuẩn 9.1. Thư viện và là mức đánh giá (tiêu chí) biểu đạt của Thư viện - Khái niệm chung.

+ Thiếu các tiêu chuẩn và các tiêu chí cụ thể về: Mục đích, vốn tài liệu, nhân viên, quản lý, dịch vụ, thiết bị môi trường, ngân sách, công nghệ thông tin, mối liên kết… nếu có thì rất chung chung không định tính, định lượng cụ thể gây khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ cho các TVĐH hiện nay.

Thí dụ: So sánh 1 tiêu chuẩn về nhân viên TVĐH của Việt Nam và một số nước khu vực ta thấy:

Việt Nam:  Tiêu chuẩn 5.10. Nhân viên thư viện: Nhân viên thư viện có đủ về số lượng, có nghiệp vụ để cung cấp các dịch vụ có hiệu quả.

Mức 1: Có đủ nhân viên thư viện để phục vụ tốt nhu cầu khai thác tài liệu, sách báo của nhân viên quản lý, giảng viên và người học.

Mức 2: Nhân viên thư viện đã được đào tạo về nghiệp vụ thư viện, có năng lực phục vụ tốt nhu cầu khai thác tài liệu, sách báo của nhân viên quản lý, giảng viên và người học.

Malaysia: Tiêu chuẩn 4: Nhân viên thư viện: Trường đảm bảo nhân viên thư viện thích hợp về số lượng và chất lượng cho thư viện, giờ mở cửa, thoả mãn mọi dịch vụ tập trung và phân tán.

Trình độ: Nhân viên chuyên nghiệp được tuyển phải có trình độ tối thiểu và bằng cấp đào tạo về thư viện ngang trình độ quy định của chính phủ. Ưu tiên nhân viên có kiến thức CNTT.

Nhân viên phục vụ: Phải đạt trình độ chuyên môn tối thiểu như quy định của chính phủ hoặc trình độ tương đương. 

Loại thư viện nhỏ: Phải có 1 nhân viên chuyên nghiệp; 4 phụ tá (trợ lý); 1 nhân viên phục vụ.    

Loại thư viện trung bình hoặc lớn: 2 nhân viên chuyên nghiệp; 4 trợ lý; 2 nhân viên phục vụ.

Số lượng nhân viên: Nhân viên chuyên nghiệp: 5 (Quản lý, Bổ sung, Biên mục, Mượn, Tra cứu); Phụ tá: 10; Nhân viên phục vụ: 5.

Nếu số lượng sinh viên vượt quá 1000, nhân viên sẽ bổ sung theo tỷ lệ sau:

Nhân viên chuyên nghiệp: Bổ sung 1 cho 400 sinh viên. 

Phụ tá: Bổ sung 1 cho 200 sinh viên

Nhân viên phục vụ: Bổ sung 1 cho 800 sinh viên

Đào tạo nhân viên: Trường/Viện đảm bảo đầy đủ cho việc đào tạo nhân viên.

Philippin: Tiêu chuẩn nhân viên thư viện.

TVĐH phải có đủ số lượng và sự đa dạng của nhân viên để phát triển, tổ chức thu thập, cung cấp thông tin và dịch vụ tham khảo nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng.

Quy mô: Quy mô, trình độ của đội ngũ nhân viên được xác định bởi nhiều yếu tố gồm cỡ kích, phạm vi bộ sưu tập, số giờ phục vụ, tỷ lệ mua, tỷ lệ lưu hành, bản chất của xử  lý thông tin, các nhu cầu dịch vụ. Tỷ lệ thủ thư chuyên nghiệp, các nhân viên khác thay đổi tuỳ thuộc vào phạm vi hoạt động và dịch vụ của thư viện, theo tổng khối lượng công việc:

Với 500 sinh viên đầu: 1 thư viện chuyên nghiệp và 2 phụ tá toàn thời gian.

Với 1.000 sinh viên bổ sung: bổ sung thêm 1 thư viện chuyên nghiệp toàn thời gian. 

Trình độ: Nhân viên chuyên nghiệp: gồm các thủ thư, nhân viên làm công tác chuyên môn. Các thư viện trưởng phải có bằng thạc sỹ thư viện/thông tin khoa học (MLIS). Với các TVĐH bằng thạc sỹ thư viện (MLIS) tốt hơn theo đuổi 1 bằng tiến sỹ trong chương trình bất kỳ. Nhân viên hỗ trợ: bao gồm các phụ tá và nhân viên phục vụ. Trình độ của phụ tá là cử nhân trong bất kỳ lĩnh vực liên quan trong thư viện/ thông tin khoa học; nhân viên phục vụ có bằng cử nhân.        

Địa vị: Nhân viên thư viện nhận được các đặc quyền và lợi ích khác như những giảng viên của các khoa.

Đài Loan: Tiêu chuẩn nhân viên - TVĐH phải có đủ số nhân viên tay nghề cao để duy trì hoạt động và cung cấp tốt các dịch vụ. Tiêu chuẩn nhân viên dựa trên số lượng sinh viên và số lượng tài liệu:

Số lượng sinh viên (từ 0 – 10.000 sinh viên toàn thời gian): 500 sinh viên toàn thời gian cần 1 nhân viên thư viện chuyên nghiệp. Số lượng vượt quá 1.000 sinh viên toàn thời gian bổ sung 1 nhân viên chuyên nghiệp.

Số lượng tài liệu: 10.000 cuốn cần 1 nhân viên thư viện chuyên nghiệp và bổ sung thêm 5.000 cuốn cần 1 nhân viên thư viện. 65% nhân viên có khả năng hỗ trợ cá nhân. Nhân viên được đánh giá định kỳ.

5. Một số kiến nghị về việc xây dựng tiêu chuẩn thư viện đại học Việt Nam

Với các cơ quan quản lý nhà nước

-  Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ GD-ĐT:

Tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của hai Bộ với mạng lưới thư viện các trường đại học ở các nội dung chính: xây dựng các văn bản pháp quy về thư viện đại học đặc biệt là Tiêu chuẩn cho TVĐH Việt Nam phù hợp thực tiễn, xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản pháp quy đã ban hành để đánh giá sự quan tâm đầu tư của các trường với thư viện đại học.

Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam/TC46: Thông tin và tư liệu (Tổng cục Đo lường - Chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ): Cần đẩy mạnh hoạt động, phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn tiêu chuẩn mới về thông tin, tư liệu và thư viện mang tính đặc thù Việt Nam được sự đồng thuận cao của cộng đồng trong đó có tiêu chuẩn cho TVĐH Việt Nam, thay thế tiêu chuẩn cũ, mạnh dạn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp, tuyên truyền phổ biến tiêu chuẩn mới, chỉ đạo theo dõi việc áp dụng tiêu chuẩn đã ban hành.   

-  Bộ Nội vụ: Quan tâm xây dựng chế độ chính sách, chế độ đặc thù nghề nghiệp của thư viện; xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng, định mức biên chế nhân viên thư viện đại học. 

Với các TVĐH

Triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp quy trong lĩnh vực TVĐH và tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành.

Thực hiện báo cáo định kỳ với các cấp có thẩm quyền về tình hình hoạt động của đơn vị và sẵn sàng tham gia vào xây dựng các Tiêu chuẩn cho TVĐH Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Các Tiêu chuẩn Việt Nam về Thông tin, tư liệu, thư viện / Cục Thông tin thuộc Bộ Khoa học Công nghệ .

2. Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học (Ban hành theo quyết định số 65/2007/QĐ – BGDĐT ngày 1/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). – 6 tr.

3. Standars for private university libraries: 1997 – 2001/ Librarians Association of Malaysia. - Kuala Lumpur, 1999. -  49p.

4. Vai trò của Thư viện đại học trong kiểm định chất lượng trường đại học / Nguyễn Văn Hành. -  Báo cáo tại Hội nghị thư viện các trường đại học, cao đẳng lần thứ nhất (Đà Nẵng ngày 9/10/2008). - Tr. 24 – 31.

5. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI / Đảng Cộng sản Việt Nam. - H.: Chính trị Quốc gia, 2012.

6. Về công tác thư viện: Các văn bản pháp quy hiện hành về thư viện / Vụ Thư viện . - H.: 2008.

7. Empirical standards for university Libraries -Taiwan. http//www.librijournal.org/pdf/2001 – 1pp17 - 26. pdf.

8. Standars for Philippine Libraries (Final Daraft Matrix) prepared for the Boar for Librarians by Elnoral. conti: 2010. http://Paarl.Wikispaces.com/library

9. Standards for University libraries: Evaluation of Performance. http://pruebas.cuoed.unam.mx/crpocu/puel/cursos/bibliotecas/materiales/standards univlib.pdf.

Phụ lục: Danh mục các tiêu chuẩn

1. TCVN 4523:1988. Ấn phẩm thông tin. Phân loại, cấu trúc trình bày.

2. TCVN 4524:1988. Xử lý thông tin. Bài tóm tắt và chú giải.

3. TCVN 4743:1989. Xử lý thông tin. Mô tả thư mục tài liệu. Yêu cầu chung và quy tắc biên soạn.

4. TCVN 5453:1991. Hoạt động thông tin tư liệu. Thuật ngữ và khái niệm cơ bản.

5. TCVN 5697:1992. Hoạt động thông tin tư liệu. Từ và cụm từ tiếng Việt viết tắt trong mô tả thư mục.

6. TCVN 5698:1992. Hoạt động thông tin tư liệu. Từ và cụm từ tiếng nước ngoài viết tắt dùng cho mô tả thư mục.

7. TCVN 6450:1998. Tiêu chuẩn hóa và các hoạt động có liên quan. Thuật ngữ chung và định nghĩa.

8. TCVN 7320:2003. Thông tin tư liệu. Cách trình bày báo cáo khoa học và kỹ thuật.

9. TCVN 7420:2004. Thông tin và tư liệu. Quản lý hồ sơ. Phần 1: Yêu cầu chung.

10. TCVN 7420:2004. Thông tin tư liệu. Quản lý hồ sơ. Phần 2: Hướng dẫn.

11. TCVN 7539:2005. Thông tin và tư liệu. Khổ mẫu MARC21 cho dữ liệu thư mục.

12. TCVN 7587:2007. Thông tin và tư liệu. Tên và mã địa danh Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ.

13. TCVN 7588:2007. Thông tin và tư liệu. Tên và mã tổ chức dịch vụ thông tin khoa học công nghệ Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ.

14. TCVN 6380:2007. Thông tin và tư liệu. Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách (ISBN).

15. TCVN 6381:2007. Thông tin và tư liệu. Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho ấn phẩm nhiều kỳ (ISSN).

16. TCVN 7980:2008. Thông tin và tư liệu. Bộ phần tử siêu dữ liệu Dublin Core.

17. TCVN 4524:2009. Tư liệu. Bài tóm tắt cho xuất bản phẩm và tư liệu.

18. TCVN 4553:2009. Thông tin và tư liệu. Từ vựng.

19. TCVN 5697:2009. Từ và cụm từ tiếng Việt viết tắt trong mô tả thư mục.

20. TCVN 8631:2010. Thông tin và tư liệu. Danh mục các yếu tố dữ liệu thư mục dùng để trao đổi và tìm dữ liệu.

__________

ThS. Đàm Viết Lâm

TTTT-TV, trường Đại học Luật Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 2. - Tr. 8-14.