VAI TRÒ CỦA “NGUỒN HỌC LIỆU THƯ VIỆN” TRONG ĐỔI MỚI
PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
Võ Thị Hồng Mai
Thư viện, Trường Đại học Nam Cần Thơ
Cốt lõi của đổi mới giáo dục là đổi mới phương pháp, nâng cao khả năng tự học, tự cập nhật kiến thức của người dạy và người học. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo thì việc xây dựng thư viện các trường đại học trở thành trung tâm học liệu, đáp ứng nhu cầu tự học, tự nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.
Đổi mới của phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực đòi hỏi sự chủ động và tích cực của sinh viên trong học tập, tự tìm kiếm thông tin nội dung bài giảng từ nhiều nguồn, trong đó nguồn tư liệu từ thư viện của cơ sở đào tạo đóng vai trò tích cực và quan trọng. Bài viết này giới thiệu các nguồn học liệu từ thư viện, đặc biệt là từ Thư Viện của Đại Học Nam Cần Thơ.
Nâng cao vai trò tự học của sinh viên
Việc đảm bảo thông tin tri thức cho người dạy và người học trong các cơ sở giáo dục đại học có một ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học cho giảng viên và sinh viên. Trong quản lí đào tạo theo hình thức tín chỉ, yêu cầu sinh viên phải tự học, tự đọc nhiều hơn. Thư viện phải trở thành giảng đường thứ 2 của sinh viên, là nơi cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên tiếp cận những kiến thức bổ ích, góp phần giúp nhà trường hoàn thành việc đào tạo theo tín chỉ và nghiên cứu khoa học.
Với giảng viên, thư viện góp phần hỗ trợ cho việc thay đổi phương pháp giảng dạy. Thay vì lên lớp thuyết trình, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, người dạy có thể cung cấp kiến thức cơ bản, nêu vấn đề, đưa ra các yêu cầu thảo luận hoặc ra các bài tập nhóm, giới thiệu nguồn tài liệu phong phú sẵn có của thư viện, hướng dẫn và yêu cầu sinh viên tham khảo, nghiên cứu tài liệu để có đủ dữ liệu cần thiết phục vụ cho việc học tập, thảo luận. Thay vì trao truyền kiến thức đơn thuần, người dạy hướng dẫn sinh viên tự tìm ra lời giải đáp cho vấn đề được đặt ra.
Góp phần đổi mới giáo dục đại học
Thư viện góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi phương cách tìm kiếm, lựa chọn, khai thác, sử dụng thông tin và tri thức của người học. Điều đó có thể giúp người học phát huy tính sáng tạo và thực hiện được phương châm: Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Theo báo cáo của Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, kết quả điều tra 145 thư viện trường đại học có 28% thư viện có website, 54% trường đã xây dựng được mục lục điện tử. Nhiều thư viện cũng tổ chức dịch vụ thông tin theo chế độ hỏi đáp, phục vụ thông tin theo yêu cầu, dịch vụ tra cứu thông tin trực tuyến… Các sản phầm này đã giúp người dùng tin có thể tra cứu và chọn lọc thông tin phù hợp với nhu cầu của mình một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng ở mọi nơi, mọi lúc. Một số thư viện chủ động tìm hiểu kế hoạch và chương trình đào tạo của các khoa, để có kế hoạch phục vụ phù hợp, chủ động trong đảm bảo học liệu cho giảng viên và sinh viên, chuyển từ hình thức phục vụ thụ động sang chủ động giới thiệu tài liệu phục vụ theo yêu cầu; đa dạng hóa các hình thức phục vụ; tăng cường giờ phục vụ. Bằng hoạt động đào tạo người dùng tin, các hình thức marketing, cung cấp các bản thư mục, ấn phẩm thông tin, thư viện đã chủ động giới thiệu cho người dạy và người học các nguồn tài liệu hỗ trợ người học tập. Nhờ đó thư viện giúp cho các giảng viên có thể thiết kế bài giảng đảm bảo chất lượng và linh hoạt.
Học liệu thư viện
Nguồn học liệu chính là vốn tài liệu của thư viện để phục vụ các mục đích học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Học liệu có nhiều loại, thư viện các trường học cần cung cấp đủ các loại học liệu hỗ trợ cho phương tiện dạy và học, mỗi loại học liệu có những tính năng nổi trội, cần biết khai thác và phát huy thế mạnh của mỗi loại. Học liệu bao gồm: sách chuyên ngành, giáo trình, bài giảng, tài liệu chuyên khảo, kết quả nghiên cứu khoa học, báo, tạp chí chuyên ngành, khóa luận, luận văn, luận án, kỷ yếu hội thảo khoa học, báo cáo thực tập, thực tế và các tài liệu chuyên ngành khác.
Nói một cách khác, học liệu là các phương tiện vật chất lưu giữ, mang hoặc phản ánh nội dung học tập của môn học thuộc chương trình giáo dục được giáo viên sử dụng làm căn cứ để tổ chức, hỗ trợ học tập theo đúng mục tiêu và nội dung dạy học. Như vậy học liệu bao gồm hai thành phần: thành phần vật chất có chức năng lưu giữ hoặc phản ánh; thành phần nội dung: chứa nội dung học tập để cho người dạy và người học sử dụng phục vụ mục đích giáo dục. Học liệu được phân loại theo tính chất nội dung; theo tính chất khoa học-công nghệ gồm học liệu chế tạo theo công nghệ truyền thống (gồm học liệu in, học liệu nghe nhìn) và học liệu điện tử. Hiện nay học liệu điện tử rất phong phú và có cách phân loại riêng:
Học liệu thư viện hỗ trợ Phương pháp dạy học
Một trong những yếu tố nâng cao chất lượng giảng dạy là tăng cường sự tiếp xúc giữa giảng viên và sinh viên (theo tài liệu ”Một số phương pháp dạy học bậc đại học” của PGS.TS Lê Văn Hảo). Sự tiếp xúc giữa thầy và trò trong và ngoài lớp học là yếu tố quan trọng nhất giúp khuyến khích sinh viên học tập. Thư viện được xem như “giảng đường thứ hai” để giảng viên tổ chức học nhóm, hướng dẫn sinh viên sử dụng tài liệu chuyên ngành có tại thư viện cũng như hoạt động tìm kiếm nguồn thông tin học liệu qua mạng internet tại phòng máy thư viện.
Khuyến khích các hoạt động hợp tác giữa sinh viên. Chất lượng học tập trong môi trường làm việc nhóm phát triển tốt hơn so với làm việc cá nhân, tổ chức các nhóm học tập và giao đề tài để sinh viên làm việc nhóm cũng là cách thu hút sinh viên thích lên thư viện nhiều hơn. Khuyến khích các phương pháp học tập tích cực dựa trên các nguyên tắc:
Nguyên tắc 1: Cung cấp thông tin phản hồi kịp thời. Sử dụng các phần mềm đánh giá có cung cấp thông tin phản hồi tổ chức các buổi giải đáp thắc mắc đối với môn học.
Nguyên tắc 2: Xem trọng yếu tố thời gian Sử dụng thời gian một cách hiệu quả là rất quan trọng đối với sinh viên và giảng viên, vì vậy sinh viên cần được hướng dẫn cách sử dụng thời gian tốt nhất cho việc học.
Nguyên tắc 3: Kỳ vọng nhiều vào sinh viên khuyến khích sinh viên chịu khó học tập và thể hiện năng lực của họ một cách cao nhất góp ý cho sinh viên về những mục tiêu học tập họ cần đạt được.
Nguyên tắc 4: Tôn trọng sự khác biệt về năng khiếu và cách học. Tổ chức lên học nhóm tại thư viện là sử dụng đa dạng các phương thức giảng dạy và hoạt động học tập.
Như vậy trong tất cả các nguyên tắc của ứng dụng phương pháp học tập tích cực đều có bao gồm vai trò của thư viện.
Nguồn học liệu trong Thư viện DNC giúp gì cho giảng viên ?
Trong tiến trình chuyển đổi mô hình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, song hành với sự thay đổi về nội dung và phương pháp dạy - học, các trường đại học tập trung phát triển các nguồn học liệu trong thư viện và các phòng tư liệu. Dựa vào danh mục các tài liệu tham khảo của các môn học thuộc các ngành học được đào tạo tại trường, trung tâm thông tin – thư viện tại các trường đại học sẽ tiến hành bổ sung các tài liệu vật lý (sách, báo và tạp chí) hoặc đăng ký mua quyền khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu thích hợp.
Nguồn học liệu phục vụ mô hình đào tạo tín chỉ cần phản ánh đại đa số các tài liệu được đề cập trong các đề cương môn học. Để đạt được tiêu chí này, quá trình bổ sung phát triển nguồn học liệu cần phải dựa trên danh sách các tài liệu tham khảo trong đề cương mỗi môn học. Việc phản ánh đầy đủ các tài liệu này đối với nguồn học liệu tại trường đại học không phải là câu chuyện đơn giản có thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, đây cần được coi là một trong những điều kiện tiên quyết, quyết định đến chất lượng đào tạo. Việc phát huy tối đa khả năng bổ sung các tài liệu này làm nguồn tài sản riêng cho nguồn học liệu là cần thiết. Trong trường hợp chưa thể sở hữu những tài liệu này, việc mua quyền truy cập tailieu.vn tạm thời hoặc và liên kết với các nguồn học liệu của các cơ quan thông tin – thư viện khác cũng là một giải pháp cần được tính đến để hỗ trợ giảng viên trong phương pháp dạy học tích cực, khuyến khích sinh viên phải đến thư viện tra cứu tài liệu để làm bài tập. Tại Thư viện của Đại học Nam Cần Thơ ngoài nguồn tài liệu số từ tailieu.vn, sinh viên và giảng viên còn có thể truy cập nguồn tài liệu số thông qua nối kết với Trung Tâm Học Liệu của Đại học Cần Thơ, và việc kết nối với Thư viện của Đại Học Khoa học Công nghệ Malaysia và nguồn tư liệu số của các tạp chí chuyên ngành từ JSTORE của Đại học Future Generations cũng đang được thiết lập.
Nguồn học liệu mở Học liệu mở (Open Course Ware)
Học liệu mở là các tài liệu học tập có chất lượng, được số hóa trong các chương trình học chính thức, có thể truy cập mở tại những khóa học miễn phí trên mạng.
Học liệu mở (OpenCourseWare - OCW), với truyền thông đa phương tiện, từ lâu đã được đánh giá là cần thiết cho giáo dục bậc phổ thông trên thế giới và ngay cả nền giáo dục phổ thông Việt Nam trong quá trình hội nhập với quốc tế hiện nay.
Học liệu mở hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại người giáo viên phổ thông trong đó việc đào tạo giáo viên các môn khoa học tự nhiên và xã hội là một cách đào tạo thiết thực, giúp đẩy nhanh sự phát triển và tham gia nghề nghiệp của người giáo viên.
Học liệu mở được hình thành chủ yếu từ 02 dạng:
- Nguồn học liệu xuất phát từ dạng truyền thống đã được số hóa, lưu giữ dưới dạng điện tử.
- Nguồn học liệu mà bản thân ngay từ khi hình thành đã tồn tại ở dạng số. Tài nguyên giáo dục mở là tài nguyên giáo dục được cấp phép mở, là các tư liệu học tập có thể được sử dụng cho việc dạy, học và đánh giá mà không có trả phí. Chúng có thể được sửa đổi và được phân phối lại mà không vi phạm các Luật Bản quyền.
Tài liệu tham khảo
1. PGS.TS Lê Văn Hảo, Một số phương pháp dạy học bậc đại học, Tài liệu tập huấn phương pháp dạy học, 2018.
2. Nguyễn Thị Phương Nhung và Phạm Tiến Toàn (2018), Bàn về nguồn học liệu phục vụ sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học, Trường Đại học KHXHNVHN.
Nhận xét:
Trong đào tạo theo hình thức tín chỉ, học liệu có vai trò vô cùng quan trọng. Thư viện không đơn thuần như trước là nơi cho mượn hay cung cấp tài liệu mà là một khâu của quá trình đào tạo không thể thiếu được. Tôi đánh giá cao về bài viết khi đi trực tiếp vào một vấn đề thiết thực, hữu ích với người học và quá trình học dạy học ở trường Đại học Nam Cần Thơ của tác giả. Tuy nhiên, bài viết cần đánh mục cho cụ thể các ý để người đọc hiểu rõ hơn.
Bài viết đăng trong Kỷ yếu Hội thảo “Đổi mới Phương pháp giảng dạy”. Do Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức 30/12/2018