Thôi thì lần sau vậy

Chuyên mục: GÓC TẢN MẠN SINH VIÊN - 17/04/2019

Đâu ai biết được ngày mai mình sẽ đối diện cùng những vấn đề gì, nhưng con người ta vẫn sống đấy thôi. Cái hạn kì không hẹn mà đến kia của con người không đủ sức áp chế sự vui vẻ vốn có của sự sống, chắc vì bởi nó còn xa xôi quá. Ấy vậy mà, chẳng ai có thể khẳng khái nhận mình là một con người hạnh phúc. Bởi đơn giản, có quá nhiều điều còn tồi tệ hơn cả cái chết cứ giằng xé tâm can mỗi khi ta bất giác đối diện với chính lòng mình.

Sáng nay, tín hiệu mạng xã hội của người vẫn sáng đèn. Chắc là người vẫn an ổn với nếp sinh hoạt của mình, y hệt như cái giọng điệu vô tư lự mỗi khi người nói chuyện với tôi. Cái tâm thế nói chuyện không cần chủ ngữ của người không biết đã bắt đầu từ khi nào, dần thay cho những câu nói ngọt ngào, những biệt dạnh thật ngố, dần thay cho những lời chúc nghe đến chán cả tai người khác mà tôi cũng vẫn muốn nghe, dần thay cho những câu bông đùa vô nghĩa với sự thật bộn bề ngoài kia mà tôi cứ mãi muốn nối dài, dần thay thế cho nhiều thứ thân mật khác, đến nỗi, tôi không thể nào kể ra cho kì hết mà sự thân thiết cứ tiêu hao dần theo vòng quay của trái đất.

Ông cụ Đỗ Phủ từng có một câu thơ như vầy: “Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân”. Ừ thì, một cánh hoa rơi cũng đủ khiến vẻ tươi tắn của mùa xuân lần giảm bớt mà người thì cứ nhờn nhơ với cái thế “xa mặt cách lòng”. Bọn trẻ con vô tư không phải vì chúng không có những nỗi buồn, mà chỉ vì chúng không có những ràng buộc trong quá nhiều những mối quan hệ để mà dễ dàng bày tỏ tất cả những gì không an ổn nơi lòng. Lớn rồi thì phải khác, con người ta biết im lặng khi cần. Cái cần thiết đó cơ hồ bóp nghẹt những nỗi niềm và người ta sẽ “chết ở trong lòng một ít” đến lúc không còn gì trong lòng đang sống nữa, người ta sẽ thôi buồn. Phải vậy không?

Người chủ động tiến đến bên tôi, tôi vui mừng vì điều đó, vì bởi tôi rụt rè và ái ngại với người lạ nên mãi chẳng thể thực hiện khát khao giao cảm. Người chủ động gần gũi, thân mật, tôi phấn khởi vì điều đó, vì bởi tôi không quen với vị của đời. Người chủ động sắp xếp những buổi gặp nhau, tôi rung động vì điều đó, vì bởi tôi luôn cố né tránh những buổi gặp nhau ồn náo thị phi đến lấp đầy màng nhĩ. Người đã thay thế tôi làm tất cả những việc đó.

Nhưng,… Tôi là người bị động.

Cho đến khi, người chủ động tạo khoảng cách với tôi đến mức không còn cứu vãn được nữa, tôi mới phát giác ra điều mình không mong muốn đang thật sự đã gần kề, trong khi, mình vẫn còn đang là người bị động. Mà làm sao tôi trách được người, vì bởi người đã thông báo trước cho tôi một tương lai gần không dễ chấp thuận bằng hàng loạt những điều vô cùng ý nhị. Nhưng, dù rằng sự thật có tàn nhẫn đến mức nào, hễ còn hy vọng là con người ta cứ bỏ mặc tất cả mà vun đắp cho những điều mà người ngoài nhìn đều lắc đầu, tặc lưỡi. Tôi đã có lúc hạ thấp mình đến nỗi nghĩ rằng: Chỉ cần người còn một chút thương yêu, người đi với ai trên đại lộ cũng được, tôi chỉ cần là kẻ bên lề, chốc chốc nắm lấy tay người và đi cùng một đoạn thôi là đã đủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: ohay.tv

Nhưng liệu rằng: Có lúc nào, người đã thật sự thương tôi? Hay người vốn không thuộc về tôi, chỉ tại tôi đến đúng ngay lúc người đang cô đơn mà thôi phải không nào?

Một người đi không được, chẳng qua là họ không muốn đi. Một người trễ hẹn, chẳng qua là họ không muốn đến. Tất cả những thứ được gọi là lí do, cơ hồ chỉ như những lời biện giải. Tắt điện thoại vài ngày, cách biệt với tất cả mọi giao thiệp với xung quanh, chìm hẳn trong một thế giới chỉ còn mình và những dòng suy tư bất tận, chỉ cần ai đó cho một cú điện thoại hỏi thăm để biết rằng mình còn quan trọng thì hẳn là sẽ vui vẻ lắm. Nhưng một ngày, hai ngày, ba ngày,… Im lặng chèn ép im lặng, cô đơn thế chỗ cô đơn. Ban đầu, chỉ tắt máy vì muốn xem người sẽ phản ứng ra sao, nhưng dần về sau, lại thấy mình trẻ con và muốn nói chuyện cùng người trở lại. Nhưng năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, và nửa tháng hơn… vẫn không dám chạm đến điện thoại vì chỉ sợ một khi mở lại các tài khoản, tín hiệu tin nhắn vẫn chẳng sẽ có gì. Khi đó, tôi sẽ phải làm sao?

Chỉ đến khi bản thân nhận ra rằng tất cả đều đang dần vào ngõ cụt và mọi lí do từ chối cứ chồng chất lên nhau không hồi kết, những lời hứa hẹn lại như những chiếc áo giáp sắt bảo vệ những thứ vô cùng vô lý ấy thì mình mới biết: Mọi thứ, thật sự đi đi rất xa. Lắm lúc, tôi muốn hỏi: “Bao giờ, người mới thật sự rảnh. Người thật sự bận hay chỉ là không muốn phí thời gian cho người mà mình không xem trọng?” Nhưng cái vẻ điềm nhiên như không ấy lại khiến tôi hỏi không nên lời. Tôi chỉ sợ, một khi, dáng vẻ “bận rộn” ấy được tháo đi thì liệu rằng sẽ còn trò chuyện với nhau được nữa không? Chỉ là trò chuyện thôi. Thay đổi một thói quen đôi khi lại là một điều khốn khó nhất có thể.

Liệu rằng sẽ có ai mãi mãi bận bịu được chứ? Bận bịu đến nỗi lãnh cảm cả với lời nói thương yêu mà người cho rằng một mối quan hệ đã lâu bền thì không nhất thiết phải có. Nhưng có chắc, mối quan hệ đã thật sự bền bĩ đúng như người nói, hay nó đang vơi dần những chỉ tiêu cần thiết cho một mối quan hệ cũng đang đi vào ngõ cụt. Nều thực sự quan tâm một người thì nhín một chút thời gian đã có là gì? “Bận rộn” đồng nghĩa với “không muốn”, “lần sau” tức là “sẽ không có điều tương tự”, có đúng vậy không? Bất kì mối quan hệ nào, nếu lâu ngày không bồi đắp, điểm giao nhau ít đi thì cho dù tình cảm ấy có đẹp đến đâu cũng sẽ phai phôi dần. Người ắt là không phải không hiểu những lý lẽ này, mà chỉ vì, tôi không còn quan trọng. Khi một người không còn muốn bỏ công vào thì cho dù người kia có cố gắng vun đắp thế nào cũng chỉ là kéo dài khoảng thời biên của sự khắc khoải.

Quan trọng nhất là: Cho dù có phát sinh điều gì đi nữa, cũng phải biết giữ thể diện cho người và tự trọng cho mình. Còn với kỷ niệm, dù đẹp đến mức nào nhưng một khi tình cảm chấm dứt bằng những suy nghĩ mơ hồ khó hiểu thì cũng chỉ làm gầy guộc thêm những nỗi niềm khó mà bày tỏ. Thôi thì, người cứ bận rộn với việc của người? Vốn bởi, “khi khác” là hạn kì khốn khổ nhất mà con người phải đợi.

Thì ra là chẳng hẹn mà gặp, chẳng bằng lòng ưng thuận mà cũng phải phân li.

Sẽ có một lúc nào đó trong đời, đúng và sai không còn ý nghĩa. Bởi, trái tim không thể đăng nhập bằng mật khẩu của đúng hay sai mà nó chỉ nhận diện bằng mật khẩu của thời gian. Sự thật vì vẫn là sự thật nhưng nỗi đau thì chẳng khi nào ở yên một chỗ, chúng cứ theo máu chạy từ tim đến não rồi từ não xuống tứ chi và vòng quanh khắp cùng cơ thể. Tim càng đau, nó càng co bóp mạnh hơn nữa, và dòng máu khốn đốn ấy không ngừng đi nuôi cơ thể bằng hàng loạt những cảm xúc mơ hồ khó định. Đến khi nào con người ta rối rắm với mưu sinh thì sẽ quên dần những câu hỏi, buông lơi những nghi vấn. Thật, quá trình trưởng thành không cho con người những trả lời, nó chỉ khiến chúng ta quên dần những câu hỏi mà ngay lúc này dường như là quá sức chịu đựng.

Mỹ Đức - Khoa Sư phạm

Theo enews.agu.edu.vn