Năm nay, tôi đã gần 30. Hằn sâu trong tâm trí tôi cả một thời thơ ấu là sự vất vả của mẹ.
Tôi sinh ra ở một miền quê nghèo quanh năm gắn với ruộng đồng. Trong ký ức tuổi thơ tôi là những ngày mẹ phơi lưng giữa cánh đồng để chăm bón cho mảnh ruộng, là những ngày bất kể mưa nắng, đôi chân trần mẹ lội từ ruộng này qua ruộng khác để cấy lúa, gieo mạ. Hết làm đồng mẹ lại loay hoay với gánh rau, gánh ngô chạy chợ để kiếm tiền lo cơm ăn ba bữa cho cả gia đình.
Khuôn mặt mẹ già đi vì năm tháng lầm lũi. Vất vả như thế nhưng khuôn mặt mẹ lúc nào cũng vui vẻ rạng ngời. Những đêm hè, trên chiếc chõng tre ngoài sân, gia đình tôi lại ngồi quây quần bên nhau với những câu chuyện trên trời dưới biển, mẹ chỉ ngồi đó mỉm cười và gương mặt ánh lên niềm tự hào khi nhìn thấy những tờ giấy khen còn nguyên mùi giấy mới của chúng tôi. Mẹ vẫn thường bảo “Ở vùng quê nghèo quanh năm với ruộng đồng này thì chỉ có học mới thoát nghèo thôi con ạ!”. Thế nên, mẹ - dù vất vả nắng mưa – vẫn cho hai anh em tôi ăn học tới nơi tới chốn. Hai anh em tôi vào Đại học là cả vinh dự của cả một vùng quê. Có lẽ với mẹ, niềm tin, động lực lớn nhất để chiến đấu với cuộc đời là hạnh phúc, tương lai của anh em chúng tôi.
Những hình ảnh vất vả của mẹ không biết từ bao giờ đã hằn sâu trong tâm trí tôi, luôn thôi thúc tôi phải luôn cố gắng, nỗ lực để sau này thành công đỡ đần cho cha mẹ, và mẹ sẽ “bớt khổ”. Nhưng những “cạm bẫy” vui tươi nơi thành phố đã suýt cuốn mất tôi. Ngay trước kỳ thi học kỳ ở năm nhất đại học, vì ham chơi cày game với bạn bè suốt đêm mà tôi đã không ôn bài. Vừa bước ra khỏi phòng thi, tôi mệt mỏi vì không làm được bài, tôi nhận được điện thoại của mẹ báo tin mẹ vừa gửi tiền cho tôi đóng học phí. Lúc ấy, hình ảnh mẹ lam lũ trên cánh đồng chiều muộn bỗng hiện lên trong đầu tôi, bao nhiêu day dứt, áy náy, cảm giác tội lỗi chợt tràn về. Và tôi lúc đó – một thằng con trai 18 tuổi mới chập chững bước vào xã hội - đã bật khóc. Những năm tháng sau này, khi làm gì, học ở đâu, tôi đều nhớ tới mẹ; những lúc bê tha tụ tập, ham vui, tôi lại nhớ về mẹ và cảnh tỉnh bản thân mình.
Bởi niềm tin, động lực lớn lao của tôi là Mẹ.
Ảnh minh họa. Nguồn: baogialai.com.vn
Tôi đã từng cắn răng chịu đựng một ông chủ chửi bới quá mức chỉ để duy trì một công việc với đồng lương cơ bản khi ra trường, đã từng chạy hàng trăm km để tư vấn cho những dự án môi trường ở vùng sâu vùng xa dưới trời nắng gay gắt chỉ để thu về vài trăm ngàn đồng. Nhưng tôi vui lắm. Tôi tin dần dần sẽ kiếm được nhiều tiền để giúp mẹ, đỡ đần mẹ. Và tới tận sau này, khi công việc ổn định, thu nhập của tôi tăng lên từ 5 triêu rồi 10 triệu 20 triệu, cứ mỗi lần như thế, người đầu tiên tôi gọi điện báo tin là Mẹ. Vì tôi nghĩ rằng mẹ sẽ hạnh phúc biết bao khi hay tin con mình thành công, làm được việc này, việc kia chứ không phải là tăng dần của những con số trong bảng lương.
Có lẽ nhiều người vẫn nghĩ, niềm tin và sức mạnh sống là những điều rất xa xôi và lớn lao mà ta mãi đi kiếm tìm. Trên đường đời vội vã, đã bao giờ bạn dừng lại, tự hỏi với lòng mình: Niềm tin trong bạn là gì? Sức mạnh để bạn cố gắng từ đâu? Với tôi, mỗi khi vấp ngã, tôi thường đặt bàn tay lên trái tim mình và trả lời: Niềm tin, sức mạnh sống chính là hạnh phúc của người thân – những người ta yêu thương.
Cựu sinh viên DH12QP
Nguồn http://enews.agu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=20504&Itemid=122